6 xu thế về đầu tư, kinh doanh, công nghệ, trải nghiệm người dùng, thanh toán và nhân lực sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025
Mỗi giai đoạn của thương mại điện tử (TMĐT) được biểu thị bằng đặc điểm riêng phụ thuộc vào xu hướng của người tiêu dùng và tình hình kinh tế thị trường. Nếu 2020-2022 là giai đoạn bứt tốc của kinh tế số, đưa thương mại trực tuyến thâm nhập sâu mạnh vào cuộc sống người tiêu dùng thì từ năm 2023 là cuộc đua của những giá trị bền vững và dài hạn.
Đại diện nền tảng TMĐT Lazada nhận định, sự chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững sẽ giúp cả hệ sinh thái được hưởng lợi, từ doanh nghiệp TMĐT đến nhà bán hàng và người tiêu dùng, tạo ra tác động kép và sức mạnh cộng hưởng cho sự phát triển lâu dài. Doanh nghiệp có thể kịp thời chuyển đổi và thích nghi với xu hướng có thể đứng vững và phát triển.
Trong báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số do Lazada Việt Nam phối hợp VCCI công bố hôm 21/3, bên cạnh việc phân tích các yếu tố giúp phát triển TMĐT bền vững, báo cáo cũng đưa ra dự báo về 6 xu thế đầu tư, kinh doanh, công nghệ, trải nghiệm người dùng, thanh toán và nhân lực sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025. Từ đó, các doanh nghiệp TMĐT có thể nắm bắt và đưa ra những tùy chỉnh phù hợp nhất với chiến lược kinh doanh của mình.
Đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng
Trong xu hướng phát triển bền vững, TMĐT sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics hay con người. Ở giai đoạn trước, những mô hình doanh nghiệp TMĐT bền vững đã cho thấy sức chống trụ bền bỉ cũng như mức độ hiệu quả trong việc duy trì và phát triển kinh doanh trước những "con sóng" của thị trường. Trong tương lai, các doanh nghiệp TMĐT cũng được khuyến khích hướng đến các giá trị dài hạn, thay vì "đốt tiền" để chạy theo các mục tiêu ngắn hạn.
Xây dựng hệ sinh thái TMĐT
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến xu hướng thứ hai - tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan trong kinh doanh. Thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị cộng hưởng từ tam giác "đối tác - doanh nghiệp - người tiêu dùng", TMĐT bền vững sẽ tạo dựng nền tảng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn, tận dụng triệt để các giải pháp từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, logistics, đến tiếp thị trong hệ sinh thái.
Áp dụng công nghệ hiện đại
Doanh nghiệp sẽ tăng cường đẩy mạnh đầu tư bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo AI, Internet of Things (IoT) và blockchain để tối ưu hóa hoạt động quản lý, vận hành. Các sàn TMĐT sẽ ưu tiên đầu tư cho công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn nhằm kết nối sâu rộng với đối tác và người tiêu dùng. Theo đó, API (Application Programming Interface - giao diện lập trình ứng dụng) được sử dụng ở mọi điểm tiếp xúc của TMĐT với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng TMĐT.
Kết nối khách hàng
Về trải nghiệm khách hàng, TMĐT bền vững sẽ kết nối các hành vi riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và cá nhân hóa cho mỗi khách hàng từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động marketing, các doanh nghiệp TMĐT cũng cần kiện toàn chính sách đổi trả hàng hóa, để trải nghiệm khách hàng không bị "gãy" ở những nút thắt cuối cùng.
Mua trước trả sau
Báo cáo dự đoán, khách hàng sẽ ngày càng ưa chuộng phương thức mua trước, trả sau vì tính linh hoạt và thuận tiện của nó. Do đó, các sàn TMĐT và doanh nghiệp sẽ tăng cường mở rộng thanh toán hơn nữa, kết nối với đa dạng đối tác tài chính... nhằm đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng, giúp việc mua sắm trên trực tuyến trở nên dễ dàng hơn.
Phổ cập kiến thức kinh tế số
TMĐT bền vững đang từng bước thúc đẩy phổ cập hiểu biết về kinh tế số đến doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc. Xu hướng bền vững trở thành "cánh tay nối dài" thu hẹp khoảng cách TMĐT giữa các địa phương thông qua việc giảm vai trò của đơn vị trung gian (thương lái, chợ đầu mối, đối tác vận chuyển...). Điều này mang lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân, thúc đẩy họ tập trung đầu tư hơn cho chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên TMĐT cũng góp phần củng cố cam kết tiêu dùng trên các nền tảng.
Với báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số do Lazada, VCCI cùng các chuyên gia nghiên cứu, ngành TMĐT nói riêng cũng như nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai được kỳ vọng ghi nhận những bước tiến mới, khởi đầu bằng chính nhận thức và chuyển mình của hàng nghìn doanh nghiệp bền vững.
Báo cáo của Lazada Việt Nam và VCCI cũng đánh giá, việc thúc đẩy phát triển bền vững sẽ mở ra cánh cửa để doanh nghiệp tiếp cận môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và xây dựng sự trung thành từ người tiêu dùng, cũng như mở rộng tệp khách hàng mới. Ở vị trí người tiêu dùng, TMĐT theo hướng bền vững mang lại các dịch vụ - sản phẩm vượt trội, cải thiện về chất lượng, giá thành và tăng trải nghiệm trong quá trình mua sắm.
Theo báo cáo, TMĐT của Việt Nam đang bước sang đoạn mới. Đây là thời điểm để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang các chiến lược bền vững hơn để mang lại lợi ích cho khách hàng, cộng đồng lẫn chính bản thân doanh nghiệp.
Nguồn: vnexpress.net (Hoàng Nam Sơn – P.XTTM(ST))
- Thương mại điện tử ngày càng trở thành kênh phân phối quan trọng (30-03-2023)
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử (30-03-2023)
- Sức hút từ giống nho ngón tay đen không hạt NH04-102 (30-03-2023)
- Ninh Thuận nỗ lực khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam (30-03-2023)
- Đưa các sản phẩm đặc trưng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vào hệ thống phân phối của Central Retail (30-03-2023)