Việc chuyển sang dệt máy đang góp phần mang lại sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm đã tồn tại hàng thế kỷ của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu phương án để lưu giữ những mẫu hoa văn có cấu trúc phức tạp mà chỉ con người mới thực hiện được.
Giống như nhiều phụ nữ Chăm, chị La Thị Đăng Trăng ở làng dệt Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được mẹ truyền dạy dệt thổ cẩm từ năm 10 tuổi và 15 tuổi đã biết dệt thành thạo. Trước đây, phụ nữ Chăm tự làm tất cả các khâu, từ chuẩn bị nguyên liệu đến khi thành phẩm, năng suất không cao. Sau này, chị Trăng làm cho một cơ sở dệt máy bán thủ công của người thân trong làng. "Dệt tay, cố gắng lắm, mỗi ngày, làm được 5m. Dùng máy để dệt, có thể đạt 15 - 20m vải. Nhờ đó, thu nhập tăng, từ 4 - 6 triệu đồng/tháng tùy theo hiệu suất làm việc", chị Trăng chia sẻ.
Còn theo chị La Ha Ta Ma Ri, chủ một cơ sở dệt thổ cẩm trong làng Mỹ Nghiệp, khách hàng đặt nhiều, dệt bằng tay không kịp nên gia đình mua máy về dệt. Hiện xưởng có 6 công nhân thao tác 6 máy dệt. Năng suất dệt trung bình 35m vải/người/ngày. Dệt bằng máy vẫn giữ được nhiều hoa văn của thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, những sản phẩm với mẫu hoa văn tinh xảo chỉ thực hiện được bằng tay, gia đình vẫn duy trì cả khung dệt gỗ. Với chất lượng và mẫu mã, màu sắc phong phú, đa dạng, sản phẩm thổ cẩm của cơ sở ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng.
Chị Bình Thị Khoen đầu tư 12 máy dệt bán thủ công để sản xuất, thu hút được nhiều phụ nữ Chăm trong làng làm nghề. Trước đây, để làm ra một tấm vải hoàn thiện có bề ngang 70cm, dài 200cm, thợ dệt phải mất hai ngày; nay dệt bằng máy, một ngày có thể dệt được 20m thổ cẩm thô. Người thợ chỉ cần móc sợi, tạo hình hoa văn và bấm nút khởi động để máy dệt hoạt động.
Cơ sở của chị Khoen vừa sản xuất thổ cẩm truyền thống của người Chăm, vừa sản xuất các sản phẩm thổ cẩm bán cho đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng... Cơ sở đẩy mạnh thiết kế, dệt, may ráp sản phẩm giúp số lượng tăng gấp nhiều lần, đáp ứng được những đơn hàng lớn. Để cạnh tranh với vải thổ cẩm sản xuất công nghiệp trên thị trường, cơ sở thường xuyên nghiên cứu, thu thập, bổ sung các mẫu hoa văn, màu sắc khác nhau để phù hợp với từng đối tượng khách hàng, văn hóa vùng miền.
Khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân hiện có trên 440 hộ với trên 2.110 khẩu (đồng bào Chăm chiếm trên 90%), 15 hộ đã áp dụng máy dệt vào sản xuất thổ cẩm, hộ ít có 4 - 5 máy, hộ nhiều có trên chục máy, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ. Sản phẩm của các cơ sở dệt máy sản xuất khá đa dạng từ tấm vải thô cho đến nhiều loại trang phục, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường, túi xách, tấm mền, thảm...
Tuy nhiên, khi chuyển sang dệt máy, các cơ sở chủ yếu sản xuất những nhóm hoa văn phổ biến như hình hoa lá, hình quả trám hay các họa tiết hình học đối xứng làm viền trang trí cho các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống thường nhật hoặc sản xuất những mẫu hoa văn theo yêu cầu của các đối tác đặt hàng. Trong khi đó, những mẫu hoa văn có cấu trúc phức tạp như rồng, chim trạo, thần Shiva… không sản xuất thường xuyên mà chỉ có vào dịp những ngày lễ lớn, cưới hỏi, tang chế, lễ thăng chức… Các nghệ nhân người Chăm phải rất kỳ công mới có thể khôi phục, sản xuất lại được.
Trải qua bao đời nay, vải thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Chăm, là biểu tượng văn hóa của cộng đồng dân tộc. Hoa văn trên thổ cẩm không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn phản chiếu đặc trưng sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo của người Chăm, thông qua hoa văn có thể phân biệt giới tính, giai cấp, địa vị xã hội, chức sắc tôn giáo… Vì vậy, hoa văn là thành tố quan trọng cần phải giữ gìn để bảo tồn và phát triển nghề dệt độc đáo của đồng bào Chăm. Nếu không có giải pháp bảo tồn, những mẫu hoa văn quý giá này có nguy cơ bị mai một, thất truyền; nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm mất đi những nét đặc trưng, tiêu biểu.
Ông Phú Văn Ngòi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết, Hợp tác xã hiện có 70 thành viên tham gia liên kết sản xuất thổ cẩm thủ công truyền thống. Dệt hoàn toàn bằng tay, độ chặt, mềm, tinh xảo của mỗi sản phẩm đều theo ý muốn và sự sáng tạo của nghệ nhân, song giá cả khó cạnh tranh với các sản phẩm dệt bằng máy; ông Phú Văn Ngòi lấy ví dụ, một tấm khăn dệt bằng tay cùng kích thước bán với giá thấp nhất 120.000 đồng, sản phẩm dệt bằng máy chỉ bán với giá 80.000 đồng. Tuy nhiên, chất liệu để sản xuất hai chiếc khăn khác nhau hẳn và hoa văn tinh xảo chỉ thợ dệt bằng tay mới làm được.
Nguồn: daibieunhandan.vn (Hoàng Nam Sơn – P.XTTM (ST))
- Kiểm soát chặt hoạt động thương mại điện tử (04-04-2023)
- Hành động chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững (04-04-2023)
- Tín hiệu tích cực từ các khu, cụm công nghiệp (04-04-2023)
- Độc đáo mứt rong hồng vân và cuộc sống đổi thay nhờ nuôi trồng rong biển ở Ninh Thuận (04-04-2023)
- 4 tháng năm 2023: Việt Nam xuất siêu 6,35 tỷ USD (04-04-2023)