Thị trường thương mại điện tử (TMÐT) ở Việt Nam được đánh giá đang có sự phát triển nhanh chóng, trở thành kênh phân phối quan trọng, quy mô thị trường ước sẽ đạt hơn 56 tỷ USD vào năm 2025 (gấp hơn 4 lần so với quy mô năm 2021). Với doanh thu bán lẻ năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMÐT hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển, TMÐT ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong việc xây dựng thị trường lành mạnh, bền vững.
Ðến thời điểm này, do phát triển "nóng", thị trường TMÐT đã bộc lộ những bất cập cũng như yêu cầu đặt ra để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý.
Xu hướng tất yếu
Là chủ của một chuỗi 6 cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang có tiếng trên địa bàn TP Hà Nội, anh Việt Tuấn xác định bán hàng trực tuyến, nhất là qua các sàn TMÐT đang là ưu tiên hàng đầu. Anh Tuấn cho rằng, từ khi bùng phát dịch Covid-19, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm, thay vì đến cửa hàng để chọn lựa, 85% khách hàng của anh chuyển hẳn sang đặt mua trực tuyến qua website, fanpage, Facebook, Zalo và các sàn TMÐT mà cửa hàng đăng bán sản phẩm,… Bởi tâm lý khách hàng chỉ cần đến cửa hàng một lần hoặc sau khi trải nghiệm mua trực tuyến, nếu thấy uy tín, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đúng như quảng cáo thì những lần sau họ chỉ đặt mua trực tuyến và tiếp tục giới thiệu cho người thân, bạn bè dùng thử.
Kết quả doanh thu năm 2022 cũng vì đó tăng 200% so với những năm trước khi đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMÐT. Cùng với đó, bán hàng trực tuyến giúp giảm được khá lớn nhân sự, giảm chi phí thuê mặt bằng, điện nước,... "Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tập trung vào kênh bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm bằng hình ảnh qua các nền tảng công nghệ, đồng thời thu gọn và chỉ để lại ba cửa hàng bán lẻ để khách hàng tới trải nghiệm sản phẩm", anh Tuấn cho biết thêm.
Theo Sách trắng TMÐT Việt Nam năm 2022, tiềm năng của thị trường TMÐT Việt Nam rất khổng lồ, được nhìn nhận sẽ tiếp tục mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm 2021; số lượng nhà bán lẻ trực tuyến cũng tăng 57%; dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến năm 2022 tăng gần 3 tỷ USD so với năm 2021. Việt Nam cũng có đến 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị đạt 260-285 USD/người. Các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất là: quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị, đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử,…
Hiện Việt Nam có khoảng 100 sàn TMÐT xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch TMÐT; trong đó, có 41 sàn TMÐT bán hàng, 98 sàn TMÐT cung cấp dịch vụ, ba công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Thị trường này cũng đang có sự chạy đua và chi phối của bốn "đại gia" cung cấp sàn TMÐT lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Tổng doanh thu của bốn sàn TMÐT này đang đạt mức 135 nghìn tỷ đồng với tổng số 566 nghìn gian hàng đã phát sinh 1,3 tỷ đơn vị sản phẩm đơn hàng. Trong đó, Shopee là sàn TMÐT lớn nhất, chiếm gần 73% tổng doanh số thị phần; Lazada đạt khoảng 21%; Tiki chiếm 5%; Sendo chiếm khoảng 1% thị phần.
Có thể thấy, TMÐT Việt Nam đang có nhiều lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng, như làn sóng chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ, kết nối internet phổ cập, vốn, thanh toán online, logistics và nguồn nhân lực,… Ðặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số và TMÐT. Song, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, TMÐT còn phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Trong hoạt động TMÐT, có rất nhiều chủng loại sản phẩm mà người bán hàng online tự do có thể kinh doanh trên nhiều nền tảng khác nhau với nhiều tên khác nhau, thậm chí có thể thay đổi tên hàng hóa chỉ bằng một ký tự. Các cơ quan quản lý hiện chưa có phương án quản lý thực sự hiệu quả, sâu sát, nên thị trường TMÐT vẫn còn rất phức tạp, rối rắm, thậm chí được xem là "thả nổi". Người tiêu dùng mua hàng bằng "niềm tin", còn nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm cũng chỉ dựa vào sự cam đoan của người bán. Nhiều sàn TMÐT tuy có kiểm soát nguồn gốc đầu vào, nhưng vẫn để "lọt lưới" cho hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng tuồn ra thị trường. Ðiều này đặt ra yêu cầu về tăng cường giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm và hoạt động kinh doanh, cũng như sự thay đổi chế tài khi hệ thống pháp luật về TMÐT hiện đang không theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TMÐT.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho rằng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, hàng hóa xé lẻ, phân tán trữ tại nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình trinh sát, bắt giữ và xử phạt. Không những thế, những đối tượng này chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi đăng quảng cáo các sản phẩm khác nhau nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng một loại sản phẩm rồi đặt qua đơn vị cung cấp khác để làm trung gian bán kiếm lời,... Ðặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn năm website có dấu hiệu lợi dụng TMÐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, xử lý, thực hiện theo Ðề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMÐT nhằm từng bước xây dựng thị trường TMÐT minh bạch và lành mạnh hơn.
Ðể chấn chỉnh hoạt động TMÐT, không chỉ cần đến sự điều chỉnh hợp lý về mặt pháp luật, sự tăng cường hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng mà thậm chí còn cần những đề án riêng, những phương án quản lý đặc thù, đưa TMÐT trong nước đi vào quỹ đạo. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho TMÐT. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMÐT; hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TMÐT.
Mặt khác, muốn kích thích TMÐT phát triển an toàn, lành mạnh và minh bạch, phải liên tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến; bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy TMÐT phát triển. Ðồng thời, phải có thêm những cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng TMÐT một cách an toàn, hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Nguồn: nhandan.vn (Hoàng Nam Sơn – P.XTTM(st))
- Nho ninh thuận - ăn một lần mà nhớ mãi (11-05-2023)
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử (11-05-2023)
- Sức hút từ giống nho ngón tay đen không hạt NH04-102 (11-05-2023)
- Ninh Thuận nỗ lực khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam (11-05-2023)
- Đưa các sản phẩm đặc trưng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vào hệ thống phân phối của Central Retail (11-05-2023)